Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hành trình “cán đích” nông thôn mới của xã Văn Lăng

12-03-2025 15:12

Xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, từ lâu được biết đến là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, đời sống người dân còn nhiều vất vả, việc đạt chuẩn nông thôn mới từng là một mục tiêu đầy thách thức. Thế nhưng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, năm 2024, Văn Lăng chính thức cán đích nông thôn mới, trở thành xã cuối cùng của huyện Đồng Hỷ hoàn thành chương trình này.

Xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, từ lâu được biết đến là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, đời sống người dân còn nhiều vất vả, việc đạt chuẩn nông thôn mới từng là một mục tiêu đầy thách thức. Thế nhưng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, năm 2024, Văn Lăng chính thức cán đích nông thôn mới, trở thành xã cuối cùng của huyện Đồng Hỷ hoàn thành chương trình này.

Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Điểm trường Bản Tèn được đầu tư xây dựng khang trang

Cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 20 km, Văn Lăng là xã miền núi với địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2011, Văn Lăng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Khi ấy, toàn xã có khoảng 1.300 hộ với hơn 5.000 khẩu. Trong đó có 70% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 70%. Các tiêu chí khó thực hiện như: Giao thông; hộ nghèo; giáo dục; y tế... Trong đó, tiêu chí giao thông được coi là nan giải nhất. Trên địa bàn xã có khoảng 25km đường liên xã, gần 100km đường trục xóm, liên xóm thì mới chỉ trải nhựa, bê tông hóa được khoảng 10km. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thì mới có được kết quả đó, còn lại phần lớn đường giao thông vẫn là đường đất nhỏ hẹp.

Thế nhưng, chính tại nơi này, một cuộc đổi thay mạnh mẽ đã diễn ra trong những năm qua. Con đường dẫn vào xã hôm nay đã được nhựa hoá, bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang hơn, những đồi chè xanh tốt vươn mình trong nắng sớm. Người dân Văn Lăng không còn chỉ canh tác nhỏ lẻ, mà đã hình thành những tổ sản xuất theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định.

Các công trình đường giao thông góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bản Tèn

Theo số liệu thống kê, tổng kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã Văn Lăng tính đến năm 2024 đạt trên 191 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và xã chiếm 81,2%, tương đương trên 155 tỷ đồng. Người dân đóng góp chiếm 18,2%, tương đương hơn 34,7 tỷ đồng. Huy động ngoài ngân sách chiếm 0,6%, tương đương 1,2 tỷ đồng. Những con số này không chỉ thể hiện sự quan tâm đầu tư của Nhà nước mà còn cho thấy tinh thần đoàn kết, tự lực vươn lên của người dân Văn Lăng.

Ông Trương Công Hiến, xóm Khe Quân, xã Văn Lăng chia sẻ: "Ban đầu, chúng tôi cũng lo lắm, vì đời sống còn khó khăn, không biết lấy đâu ra tiền để đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nhưng khi thấy đường sá mở rộng, trường học, trạm y tế khang trang hơn, ai cũng vui nên đã tích cực đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nông thôn mới. nhiều hộ sẵn sàng hiến đất để mở rộng các tuyến đường”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Văn Lăng đã tập trung vào những tiêu chí khó, đặc biệt là hạ tầng giao thông và phát triển sản xuất. Những con đường đất lầy lội trước kia đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương.

Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: "Giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sự chung tay của Nhà nước và nhân dân, đến nay, 100% đường trục chính của xã đã được cứng hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sản xuất".

Người dân Văn Lăng áp dụng sản xuất chè VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao

Không chỉ thay đổi về hạ tầng, diện mạo nông thôn mới của Văn Lăng còn được thể hiện rõ nét qua sự phát triển của các mô hình sản xuất. Xã đã đẩy mạnh phát triển cây chè – một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, toàn xã có gần 300 ha chè, sản lượng chè búp tươi năm 2024 đạt 3.516 tấn. Đặc biệt, đã có 05 tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 52 ha, thu hút 141 hộ tham gia.

Gia đình Anh Hoàng Văn Nhu, xóm Tân Thành có hơn 8 sào chè trồng và chăm sóc theo hướng VietGap, anh cho biết: "Trước đây, gia đình chủ yếu trồng chè theo kinh nghiệm, năng suất không cao. Từ khi tham gia sản xuất VietGAP, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật, chè bán được giá hơn, đầu ra cũng ổn định hơn".

Bên cạnh phát triển sản xuất, xã cũng chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,95% , thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 45 triệu đồng/người/năm. Các công trình trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, đảm bảo điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Năm 2024, Văn Lăng chính thức cán đích nông thôn mới, trở thành xã cuối cùng của huyện Đồng Hỷ hoàn thành mục tiêu này. Đây không chỉ là thành quả của riêng xã, mà còn là dấu mốc quan trọng của huyện Đồng Hỷ trong công cuộc phát triển nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là thay đổi về hạ tầng, mà còn là thay đổi tư duy, cách làm của người dân. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với nền tảng đã có, Văn Lăng chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.

Nguyễn Thơm (Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1221223